Hôm nay biển nhiều sóng lớn. Tuy nhiên, gió không đủ mạnh nên nhiều con sóng vỡ tan trước lúc cập bờ. Tôi ra biển sau khi tan học và thử đương đầu với một vài ngọn sóng nhưng không lần nào đứng được trên ván cả. Ai cũng có thể lướt trên phần bọt trắng sau khi sóng đổ xuống nhưng tôi muốn lướt sóng đường hoàng, nghĩa là lướt lên đỉnh và trượt xuống lại mặt nước.

Chật vật với sóng đến mấy, cuối cùng tâm trí tôi vẫn bị cuốn vào cảnh trời và biển. Mây giăng khắp chốn mà sao bầu trời vẫn thật cao? Màu của biển cả và lượng mây thay đổi mỗi phút giây qua. Những khi đương đầu với sóng, cảnh vật trước mặt lên xuống liên tục, chỉ chênh nhau vài centimet. Đại dương đầy biến động như xúc cảm trong tôi. Tôi muốn sớm đứng được trên ván. Tôi muốn biết biển sẽ thế nào khi cưỡi trên những con sóng ngang chiều cao 1m54 của mình. Tôi chắc rằng không một họa sĩ tài năng nào có thể vẽ quang cảnh biển đẹp như trong mắt tôi lúc này. Thậm chí một bức ảnh hay một thước phim cũng không tạo nổi ấn tượng đó. Người ta nói công nghệ “Độ nét cao (HD)” của thế kỉ 21 hiện nay chứa tới 1920 điểm ảnh (pixel) mỗi hàng ngang, cho phép hiển thị rõ rất nhiều chi tiết. Kể cả như vậy vẫn chưa đủ để chớp được vẹn toàn vẻ đẹp của đại dương. Hoàn toàn không đủ để độ phân giải 1920x1080 pixel lột tả hết biển cả lúc này đẹp nhường nào. Đẹp tự nhiên luôn là vẻ đẹp hoàn hảo nhất nhưng tôi tự hỏi liệu các nhà sáng chế công nghệ hay sản xuất phim biết được điều ấy hay chăng? Tôi cầu trời luôn có cơ hội ngắm nhìn cảnh tượng tuyệt trần này, kể cả từ xa đi nữa. Ước gì Tohno-kun được chiêm ngưỡng tận mắt nhỉ, tôi nghĩ và hồi tưởng lại chuyện ở trường sáng nay.

Trong lúc ngồi ăn trưa với Yukko và Saki-chan như thường lệ, loa phát thanh vang lên thông báo mời tôi, Kanae Sumida năm ba, nhóm Ba lên phòng tư vấn hướng nghiệp. Dù thừa biết lý do tại sao mình bị gọi, tôi vẫn xấu hổ khi nghĩ đến việc Tohno-kun tình cờ nghe được tin này, cả chị tôi nữa.

Trong phòng tư vấn, thầy Itou đã ngồi sẵn với một tờ giấy trước mặt, là bản câu hỏi tư vấn hướng nghiệp. Tiếng ve kêu râm ran ngoài cửa sổ báo hiệu hè về nhưng nhiệt độ trong phòng khá mát mẻ, dễ chịu. Bên ngoài, mây trôi nhanh khiến trời liên tục khi hửng khi râm. Là gió tây. Ngồi đối diện với thầy, đầu tôi chỉ nghĩ hẳn hôm nay nhiều sóng lắm.

“Em là học sinh năm cuối duy nhất chưa xác định kế hoạch tương lai, Sumida.” Thầy thở dài, vẻ không hài lòng.

“Em xin lỗi…” Tôi chỉ thốt ra một câu rồi im lặng, không biết tiếp tục thế nào. Thầy cũng vậy. Hai thầy trò ngồi yên lặng mất một lúc.

Trên tờ giấy, phần “Hãy khoanh tròn một trong các lựa chọn sau” được in rõ ràng, và tôi bất lực nhìn vào phần bên dưới:

1: Học lên bậc giáo dục cao hơn, đại học (A:Khóa học bốn năm, B: Học ngắn hạn)

2: Học trường nghề

3: Đi làm (A: Theo khu vực, B: Theo loại công việc)

Cạnh lựa chọn trường đại học là lựa chọn trường tư thục hay công lập, và ngay tiếp sau là danh sách các khoa – y khoa, nha khoa, khoa dược, vật lý, kỹ sư, nông nghiệp, hải dương học, kinh doanh, văn học, luật, kinh tế học, ngoại ngữ và giáo dục. Trường nghề và các khóa ngắn hạn đều chung lĩnh vực – âm nhạc, hội họa, mẫu giáo, dinh dưỡng học, thời trang, công nghệ thông tin, y tá, làm bếp, trang điểm, truyền thông hoặc vệ sinh công cộng. Đọc thôi đã đủ làm tôi hoa hết cả mắt. Ngoài ra, các khu vực đi làm trên đảo gồm Kogashima, Kyushuu, Kansai, Kantou, và một số khu vực khác.

Tôi liếc hai lựa chọn “trong đảo” và “Kantou”. Rồi “Tokyo” xuất hiện trong đầu, nơi tôi chưa từng đặt chân đến và chưa từng nghĩ sẽ đến. Hình ảnh Tokyo năm 1999 tôi tưởng tượng ra là một thành phố đầy dân xã hội đen (!) ở Shibuya, phụ nữ thì trông như nữ sinh trung học đi bán đồ lót, cả ngày đầy rẫy các ca cấp cứu và tội phạm, và một quả bóng khổng lồ đặt trên nóc đài truyền hình Fuji TV lớn khủng khiếp và trời mới biết nó dùng làm gì. Rồi tôi hình dung ra cảnh Tohno-kun mặc áo khoác hầm hố, nắm tay một cô gái đi tất chân gợi cảm và tóc nhuộm nâu. Đến đoạn đó thì tôi chấm dứt suy nghĩ linh tinh ngay. Thầy Itou thở dài lần nữa.

“Em không cần suy nghĩ quá nhiều. Với điểm số của mình, em nên thi vào trường nghề hoặc học khóa ngắn hạn ở trường đại học. Nếu bố mẹ cho phép, em có thể đến học ở Kyushuu. Nếu không thì ở lại Kagoshima tìm việc. Như vậy chưa đủ tốt sao? Em đã thử nhờ chị em, cô Sumida tư vấn chưa?”

“Dạ chưa…” Tôi lí nhí và lại im lặng. Lòng dạ tôi giờ rối bời. Sao thầy phải nhắc tên tôi trên loa trường và lôi chị vào vụ này? Sao thầy lại nuôi râu? Sao thầy lại đi dép xăng – đan? Tôi cầu thời gian nghỉ trưa hết càng nhanh càng tốt.

“Sumida, thầy sẽ không hiểu em nghĩ gì nếu em yên lặng mãi.”

“Dạ, thưa thầy, em xin lỗi…”

“Hãy nói chuyện với chị em tối nay. Thầy sẽ báo trước.”

Tôi lẩm bẩm trong đầu sao thầy cứ làm những việc tôi chẳng khoái tí nào.

…Đương lúc chiến đấu với biển cả, tôi gặp một con sóng lớn trước mặt. Đầu sóng cuộn cao và ngay trước khi nó ập xuống, tôi dùng hết sức ấn mạnh ván bơi xuyên qua. Hôm nay nhiều sóng và tôi tiếp tục luyện tập lặn dưới sóng để bơi xa bờ hơn.

“Không phải nơi đây.” Tôi nghĩ. Tôi nhẩm đi nhẩm lại câu ấy trong đầu.

Tôi chợt nhận ra những từ ngữ đó khiến mình liên tưởng đến Tohno-kun.

Tôi hay có những phút giây như vậy, phút giây bất chợt khám phá ra một điều quan trọng, như thể có siêu năng lực. Bất kể ở cửa hàng tạp hóa chúng tôi hay lui tới trên đường về, ở bãi đậu xe vắng vẻ sau trường mỗi buổi sáng hay khi Tohno-kun soạn thư điện tử trên điện thoại, tôi đều như nghe thấy câu “Không phải nơi này” từ anh. Em biết, Tohno-kun. Em cũng có cảm giác ấy. Anh không phải người duy nhất nghĩ thế đâu, Tohno-kun. Tohno-kun, Tohno-kun, Tohno-kun… Mải gọi tên anh, tôi dần ngồi thẳng người khỏi ván và đúng lúc chuẩn bị đứng dậy, sóng lại tạt ngược tôi xuống biển. Tôi hoảng hốt nuốt phải vài ngụm nước biển, bám vội lấy tấm ván nổi trên mặt nước và cuống cuồng chèo. Nước mắt tôi giàn giụa như khóc.

Sau đó, tôi ngồi xe chị quay lại trường nhưng không thể mở lời về bản kế hoạch.

7h45 tối. Tôi cúi xuống một gian hàng trong tiệm. Hôm nay, tôi đến một mình. Tôi đợi ở bãi đỗ xe khá lâu nhưng không thấy Tohno-kun xuất hiện. Buồn thật. Loay hoay một lúc, tôi lại mua sữa chua bơ. Tôi quay lại chỗ đỗ xe, uống một hơi hết sạch, đeo mũ bảo hiểm và lái xe đi.

Xe bon bon dọc cánh đồng trong lúc tôi chăm chăm nhìn ánh hoàng hôn le lói cuối đường chân trời đằng tây. Bên trái là toàn cảnh thị trấn với bãi biển nằm xa xa, phía cuối đồng cỏ xanh mát. Bên phải thưa thớt vài cánh đồng và đồi núi. Ở đảo, đây là nơi có quang cảnh đẹp nhất đồng thời là đường về nhà Tohno-kun. Nếu cậu ấy đi chậm, mình có thể bắt kịp. Hoặc có thể cậu ấy đã ở nhà từ đời nào rồi cũng nên? Động cơ xe bỗng kêu lục cục, hơi khựng một chút rồi lại bình thường. Chiếc Cub này sắp thành hàng cổ mất thôi. Đúng lúc định kiểm tra xe, một chiếc xe máy đỗ bên vệ đường lọt vào mắt tôi. Xe máy của anh! Hẳn rồi! Tôi dừng lại, đỗ xe bên cạnh.

Tôi vô thức leo lên con dốc phủ đầy những đám cỏ mùa hạ mềm mại. Ôi không! Tôi đang làm gì vậy? Bất chợt, tôi lấy lại bình tĩnh. Tôi chắc chắn chiếc xe vừa rồi của Tohno-kun nhưng lý do gì khiến tôi tìm gặp anh bây giờ? Tôi không hay gặp anh trong tình huống thế này. Vì muốn ở bên anh, vậy thôi, tôi tự nhủ. Tôi tiếp tục bước lên con dốc um tùm cỏ và rồi, thấy anh. Anh đang ngồi ở bờ đê cao, quay lưng lại bầu trời đầy sao, mải mê soạn thư như thường.

Gió trời lồng lộng khắp chốn. Gió làm lòng người xao động, gió luồn qua tóc và đồng phục, gió khiêu vũ cùng đám cỏ xào xạc. Như đáp lại, tim tôi đập thình thịch, mỗi lúc một lớn hơn.

“Nè, Tohno-kun!”

“A, Sumida. Sao cậu biết mình ở đây?” Tohno-kun trả lời, giọng bất ngờ.

“Hì, mình đi ngang qua thấy xe cậu, tự dưng muốn nói chuyện chút. Cậu không phiền chứ?” Vừa nói, tôi vừa tiến nhanh về phía anh, tự dặn lòng không việc gì phải hồi hộp cả.

“Ra thế. Gặp cậu mình cũng vui lắm. Không thấy cậu ở bãi xe hôm nay.”

“Mình cũng thế!” Tôi hí hửng đáp và đặt túi thể thao xuống cạnh anh. Vui? Anh vui mừng khi gặp em sao, Tohno-kun? Trái tim tôi càng rung động mãnh liệt hơn. Lần nào ngồi cạnh anh cũng thế. “Không phải nơi này”, những từ ngữ chợt khiến tim tôi đau nhói. Trước khi tôi nhận ra, đường chân trời phía tây đã chìm hẳn trong bóng tối.

Trời càng lúc càng nổi gió lớn, như muốn làm chao đi những ánh đèn đang ngày một lan rộng dưới thị trấn. Nhìn từ đây, trường chúng tôi trông khá nhỏ, chỉ lác đác vài ô cửa còn sáng. Độc một chiếc ô tô trên đường cao tốc còn cối xay gió khổng lồ ở khu thể thao đang quay đều. Mây thi nhau vần vũ trên bầu trời và thi thoảng, khi một vài khoảng trống lộ ra, ta sẽ thấy một phần Ngân hà hoặc Tam giác Mùa hè[1] – Ngưu Lang, Chức Nữ và sao Thiên Tân. Gió rít lên bên tai, hòa với tiếng côn trùng lẫn trong tán cây bụi cỏ. Gió lớn làm lòng tôi dịu đi nhanh chóng. Mùi cỏ sực lên khắp nơi.

Tohno-kun và tôi ngồi yên ngắm cảnh bên nhau. Nhịp tim tôi đã trở lại bình thường, nhưng có thể do hồi hộp và ngồi quá gần, tôi thấy bờ vai anh thật cao và vững chãi.

“Nè, Tohno-kun. Cậu sắp thi tuyển vào đại học nhỉ?”

“Ừ, mình định thi đại học Tokyo.”

“Tokyo à… Mình cũng đoán thế.”

“Vì sao?”

“Mình nghĩ đó là nơi cậu luôn muốn quay lại.” Chính tôi cũng ngạc nhiên khi giữ được giọng bình tĩnh như vậy. Đáng lý tôi sẽ điếng người khi hỏi và nghe câu trả lời trực tiếp từ anh. Sau một thoáng im lặng, anh đáp với giọng trầm ấm thường ngày.

“…Mình hiểu rồi. Thế còn cậu, Sumida?”

“Mình à? Cũng chưa biết được. Mình không biết tương lai sẽ thế nào nữa.” Tôi nói thẳng, những tưởng sẽ khiến anh ngạc nhiên.

“Có vẻ ai cũng như nhau nhỉ?”

“Hả, cậu cũng nghĩ vậy sao, Tohno-kun?”

“Tất nhiên.”

“Trông cậu như người chẳng mấy khi lo nghĩ ấy.”

“Không phải đâu.” Anh mỉm cười. “Mình lo lắng suốt một thời gian rồi. Mình chỉ cố làm những gì có thể. Mình không có nhiều lựa chọn.”

Tim tôi lại đập mạnh. Ngồi bên anh, nghe anh tâm sự thật hạnh phúc biết bao.

“Thì ra đó là suy nghĩ của cậu.”

Tôi thoáng nhìn vào mắt anh, ánh mắt đăm đăm hướng về một ánh sáng xa xôi nào đó, như một đứa trẻ bơ vơ, vô vọng. Kể cả đến giờ phút này, tình yêu tôi dành cho anh vẫn thế, nồng nàn và vẹn nguyên.

Đúng. Tôi yêu anh, đó mới là điều quan trọng nhất. Lời nói của anh tiếp thêm sức mạnh cho tôi rất nhiều. Tôi thầm cảm ơn ai đó đã mang anh đến cuộc đời này. Bố mẹ anh chăng, có khi là ông trời cũng nên. Lấy bản câu hỏi hướng nghiệp ra khỏi túi, tôi bắt đầu gấp. Lúc này, gió đã lặng, tiếng côn trùng cùng tiếng cỏ cây cũng im ắng hẳn.

“…Cậu định làm máy bay giấy à?”

“Ừ.”

Tôi phóng chiếc máy bay vừa gấp về phía thị trấn. Nó phi xa đáng kinh ngạc và dọc đường bay, gió đột ngột thốc ngược chiếc máy bay nhỏ vút thẳng lên trời cao, đến khi mất hút vào bóng đêm, không thấy tăm tích đâu nữa. Đan xen giữa các tầng mây là ánh sáng lung linh của dải Ngân Hà.

***

Em làm gì mà về muộn thế! Nhanh vào tắm không cảm bây giờ, chị nói với theo trước khi tôi nhảy ùm vào bồn tắm, vốn khá rộng để co duỗi tay chân thoải mái. Cánh tay tôi chắc và rắn rỏi, trông thô hơn con gái bình thường. Hồi trước, tôi suốt ngày cầu trời khấn phật cho tay mềm mại như kẹo dẻo, nhưng giờ tôi đã quen với cơ thể chắc khỏe hơn người. Toàn thân tôi thả lỏng, hoàn toàn thư giãn. Những gì Tohno-kun điềm tĩnh nói lúc trên bãi cỏ cũng như khi ra về, như vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Mỗi lần nhớ lại, một cảm giác dễ chịu lan khắp người khiến tôi tủm tỉm cười. Có vẻ tôi hơi phấn khích quá. Tôi thì thầm “Tohno-kun” trong vô thức. Tên anh âm vang khe khẽ trong phòng trước khi tan vào hơi nóng. Hôm nay đúng là một ngày hạnh phúc, tôi tự nhủ.

Sau cuộc nói chuyện ở đồi cỏ, dọc đường về nhà, chúng tôi gặp một chiếc xe kéo khổng lồ đi chậm đằng trước. Riêng bánh xe đã cao ngang người tôi, còn phần đầu xe kéo theo một chiếc hộp dài cỡ bể bơi ở trường, in dòng chữ “NASDA, Cục Phát triển vũ trụ” đầy tự hào. Tổng cộng hai xe kéo cùng một cơ số ô tô con ở giữa và có người cầm đèn đỏ dẫn đường. Họ đang vận chuyển tên lửa. Dù đã từng nghe về cách vận chuyển này nhưng đây là lần đầu tôi nhìn tận mắt. Tôi khá chắc hỏa tiễn được chuyển đến đảo bằng tàu biển và sẽ được chuyển về phía nam trong đêm, chậm rãi và cẩn trọng.

“Mình nghe họ phải lái với tốc độ 5km/h.” Tôi nói và Tohno-kun trả lời “Ùm,” như thể chưa hết ngạc nhiên về cảnh tượng trước mặt. Chúng tôi đứng nhìn đoàn xe mất một lúc. Đây là một cảnh hiếm thấy và tôi chưa bao giờ nghĩ có cơ hội xem cùng Tohno-kun.

Trời bắt đầu mưa, chuyện thường ở mùa này, mưa như trút. Hai chúng tôi phóng nhanh về nhà. Tôi thấy Tohno-kun như gần gũi hơn khi đèn pha xe chiếu vào tấm lưng đẫm nước của anh đằng trước. Nhà anh xa hơn nên cửa nhà tôi hay là nơi tạm biệt.

“Sumida” Anh kéo kính mũ bảo hiểm lên và gọi. Mưa đang nặng hạt hơn và ánh đèn vàng trong nhà chiếu vào cơ thể anh ướt sũng. Tôi hơi ngượng khi nhìn áo đồng phục dính chặt vào cơ thể rắn chắc của anh. Không biết anh ấy có nhìn mình như thế không nhỉ, tôi nghĩ.

“Mình xin lỗi hôm nay đã để cậu ướt hết thế này.”

“Đừng bận tâm, Tohno-kun! Không phải lỗi của cậu. Tự mình muốn ở lại mà.”

“Nhưng mình rất vui vì được nói chuyện với cậu. Hẹn mai gặp. Giữ gìn sức khỏe không ốm đấy. Ngủ ngon.”

“Hẹn mai gặp. Chúc cậu ngủ ngon, Tohno-kun.”

Chúc ngủ ngon, Tohno-kun, tôi thì thầm khi ngâm mình trong bồn tắm.

Tắm xong, tôi ăn tối với thịt lợn hầm, rán và Kanpachi Sashimi[2], ngon đến nỗi tôi xin mẹ xới tận ba bát cơm.

“Con yêu ăn khỏe quá ha?” Mẹ nói khi đưa tôi bát tiếp theo.

“Chị không nghĩ có nữ sinh cấp ba nào ăn được ba bát một bữa đâu.” Chị tôi nói, giọng ngạc nhiên.

“Tại em đói quá… À, chị ơi,” Tôi nói trong lúc và thịt vào miệng. Ngon tuyệt.

“Hôm nay thầy Itou có nói gì với chị không?”

“Có đấy.”

“Em xin lỗi.”

“Đừng lo. Cứ suy nghĩ từ từ rồi quyết định vẫn chưa muộn.”

“Kanae, con làm gì khiến thầy giáo phiền lòng à?” Vừa rót trà cho chị, mẹ vừa nói.

“Không có gì quan trọng đâu mẹ. Thầy giáo nó chỉ nhạy cảm quá thôi.” Chị bình thản bảo. Có bà chị tâm lý thích thật!

Đêm đó, tôi có một giấc mơ.

Tôi mơ về khoảng thời gian có Cub, không phải xe máy Honda, mà là tên chú cún của tôi. Tôi tìm thấy nó ở bờ biển năm học lớp Sáu. Lúc ấy, tôi rất ghen tị với xe Cub của chị, nên đặt tên nó là Cub.

Nhưng trong mơ, tôi không còn là một cô bé mà là một thiếu nữ mười bảy tuổi như bây giờ. Tôi bế chú cún Cub trong tay và đi dạo dọc bãi biển bao trùm bởi một thứ ánh sáng kì ảo. Ở trên cao, thay chỗ cho mặt trời là khoảng không bao la với vô số vì sao, lấp lánh đủ màu, đỏ, xanh lá cây, vàng, và nhiều màu khác nữa, tụ họp với nhau thành dòng sông Ngân Hà vĩ đại trải dọc khắp vũ trụ. Tôi tự hỏi liệu mình đã từng đến chốn ấy bao giờ chưa? Bất chợt, tôi nhìn thấy ai đó đang bước đi đằng xa. Có cảm tưởng tôi đã gặp hình bóng này đâu đó rồi.

Đột nhiên, tôi biến lại thành trẻ con và tự dặn lòng, một ngày kia, người ấy sẽ trở nên rất quan trọng trong cuộc sống của mình.

Ngay sau đó, trong chớp mắt, tôi thấy mình đã trưởng thành cỡ tuổi chị và thầm nhủ, anh ấy đã từng là một người hết sức quan trọng với mình.

Khi tỉnh lại, tôi không còn nhớ chi tiết nào của giấc mơ ấy nữa.

[1] Xem thêm: vi.wikipedia.org/wiki/Tam_Giác_Mùa_Hè

[2] Sashimi Cá cam. Cá cam là loài cá cá ăn thịt, có vây, có kích thước khá lớn. Cá lớn chừng 1,5kg, đầu cá mềm. Cá cam nhiều thịt, thịt chắc và hương vị thơm ngon, ngọt và béo. Ở Việt Nam, có rất nhiều ở biển miền Trung, đặc biệt là vào mùa xuân, ngư dân đánh bắt, nuôi trồng và dùng làm nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon như: kho, canh chua, cháo, hấp, lẩu... Xem thêm vi.wikipedia.org/wiki/Cá_cam.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện