【Góc nhìn của Mary】
『Sự thật là những tác phẩm dạng truyện hiếm khi có được một cái kết』
Đó là một hiện thực phũ phàng với những độc giả yêu thích những câu chuyện.
Dẫu vậy, hiện thực phũ phàng vẫn sẽ mãi phũ phàng. Lảng tránh không phải lựa chọn và ta buộc phải đối mặt với nó.
Bởi hiện thực nó chán lắm mà.
Ngay cả khi tìm được 『bộ truyện』 mình hứng thú, chúng hầu hết đều kết thúc nửa chừng mà không có được cái kết viên mãn nào.
Có thể lấy những tác phẩm thương mại làm ví dụ.
Độc giả là những người chi tiền ra mua về, nhưng cũng chính doanh số bán ra sẽ quyết định bộ truyện có được xuất bản phần tiếp theo hay không. Nếu như doanh số không khả quan, câu chuyện sẽ kết thúc mà không có được cái kết nào.
Giờ cứ cho là doanh số ổn đi.
Câu chuyện sẽ có thể kết thúc nếu tác giả muốn thế, đến điều này còn không thể chắc chắn được thì đúng là khủng khiếp thật.
Câu chuyện sẽ không thể tiếp tục nếu nhà xuất bản hay công ty sản xuất làm ăn thất bát.
Câu chuyện cũng có thể bị dừng sản xuất nếu có mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ, bởi người sáng tạo là những kẻ đứng ngoài xã hội, họ thiếu kỹ năng xã hội và không hiếm khi có những bất hòa trong quan hệ giữa người với người. Vậy nên ta cũng không thể yên tâm được.
Câu chuyện còn không thể xuất bản tiếp, theo nghĩa đen, nếu người sáng tạo gặp chuyện không hay. Bởi sáng tác là công việc đòi hỏi về cả tinh thần lẫn thể chất. Tuy xảy ra không nhiều nhưng tôi đoán mọi người cũng từng nghe qua chuyện bỏ ngang giữa chừng rồi.
Vẫn còn nhiều vấn đề khác ngoài những gì kể trên nữa, nhưng nếu vượt qua những trở ngại, câu chuyện rồi cũng sẽ có được hồi kết.
Giờ thì ta hãy nói về những tác phẩm phi thương mại.
Những tác phẩm được cá nhân tạo ra vì sở thích bộc phát ít có khả năng hoàn thành hơn những tác phẩm thương mại.
Chúng không mang trách nhiệm về mặt tài chính, thành thử có kết thúc được hay không lại phụ thuộc vào niềm kiêu hãnh của người sáng tạo.
Đối với người sáng tạo nhắm đến cơ hội thương mại hóa, những tác phẩm không thể phất lên thường sẽ bị trảm giữa chừng. Và dẫu có nổi tiếng và được thương mại hóa, họ cũng chẳng cần hoàn thành vì mục đích thương mại giờ đã đạt được, thành ra cũng khó để chúng có được cái kết.
Nói tóm lại, điều tôi muốn truyền đạt là những câu chuyện về cơ bản sẽ không kết thúc.
Với việc bị ngưng là điều đương nhiên, kết thúc được đã là tuyệt vời lắm rồi.
――Từ tận đáy lòng, thứ hiện thực như thế làm mình vô cùng khó chịu.
Vì khi đứng ở vị trí người đọc đang thưởng thức tác phẩm, tình trạng của tác giả chẳng phải điều gì đáng để quan tâm.
Người ta đang đọc, đang thưởng thức rồi, đừng có viện cớ này kia mà mau mau tiếp tục đi mới phải.
Chiều lòng quý độc giả chẳng phải là công việc, là trách nhiệm của tác giả à? Độc giả vui chẳng phải tác giả cũng vui à?
Nếu đã thế thì nên nhanh chóng ra tiếp mới phải đạo.
Những tác phẩm không có kết thúc cũng là những nỗi đau.
Vì thi thoảng trong cuộc đời, ký ức về chúng nổi lên sẽ đem theo cảm giác bứt rứt.
Cho nên tôi vẫn luôn có một suy nghĩ.
『Tác phẩm mà mình đã nhúng tay, mình nhất định sẽ không để nó kết thúc giữa chừng』
Tôi mong muốn câu chuyện này có một cái kết đẹp.
Tôi sẽ không để câu chuyện của Koutarou và Shiho kết thúc khi vẫn đang dở dở ương ương.
Tôi chưa được bỏ cuộc, tất cả là vì một mục tiêu.
Dù phải tốn bao nhiêu thời gian, tôi vẫn sẽ kết thúc câu chuyện romcom của hai người họ.
Dẫu có phải đánh mất năng lực cheat này đi nữa.
Dẫu có phải trở thành nhân vật hài hước kiêm nhân tố khiêu gợi đi nữa.
Bất chấp mọi thủ đoạn, tôi vẫn sẽ can thiệp vào câu chuyện của cậu ta.
Vì đây là việc mà tôi...... mà người sáng tạo này phải làm――