Vài ngày sau, đâu đó ở New York

“...Và cô nhận được gì từ việc dùng một nửa chỗ tiền kia mua vé?”

Đâu đó tại Chinatown. Một giọng nói vang tới chỗ Rachel, lẫn vào tiếng điện thoại reo.

Rachel trả lời bằng tiếng thét át cả thanh âm kia.

“Tôi không biết, thưa ngài. Tôi chỉ thấy mệt thôi.”

Khác hẳn mọi khi, cô đáp trả rất khuôn phép. Người nghe là chủ tịch của đại lí thông tin mà cô đang làm ăn cùng.

Hàng chồng tài liệu nằm la liệt khắp nơi, và cô không thấy mặt người đó. Tuy nhiên, cô tin chắc rằng ông ta đang cười.

“Thôi thì, tận dụng trải nghiệm ấy trong tương lai hay lãng quên nó đều là việc của cô cả.”

“Hơn cả thế, tôi cũng thấy hối hận vì không đấm con lợn ria kẽm kia.”

Nghe thấy sự bức bối trong giọng Rachel, chủ đại lí thông tin, với khuôn mặt không ai thấy, lên tiếng hỏi một câu.

“Tôi có chút thông tin liên quan đến cách họ xử lí hậu quả của vụ việc. Cô muốn được nghe chứ? —Tôi không tính phí đâu.”

-----

“Không thể chấp nhận được! Ta thề sẽ lôi các người ra tòa! Dĩ nhiên, vì chuyện bảo an trên tàu, cũng như chuyện thu nhận con khỉ da vàng với thằng nhà quê khốn nạn kia!”

Gã béo phì với hàm ria bé tí đang nổi giận đùng đùng. Tỉnh dậy sau khi bị Claire bẻ trật vai, lão lập tức chui tọt vào bồn cầu, run rẩy vì đau và sợ hãi. Lão được phát hiện bởi một nhóm sĩ quan sau khi mọi chuyện đã kết thúc. Khi họ nắn vai lão về chỗ cũ, lão đã khóc thét lên, khiến hành khách trong toa ăn không khỏi bật cười.

Lão là ủy viên ban lãnh đạo của một công ty đường sắt lớn, và nỗi nhục kia là quá khó để gã chịu đựng nổi. Nhằm đáp trả cơn giận ấy, lão bắt đầu khởi kiện Nebula, tập đoàn sở hữu con tàu. Tuy nhiên, ai đó đã cản lão lại vào đúng thời khắc cuối.

Ngưới tiếp đón lão già ria kẽm trong buồng tiếp tân của Nebula là một ủy viên trung niên với biểu cảm đầy trái khoáy—một nụ cười đờ đẫn như bóng ma—chạy dọc khắp khuôn mặt.

“Tôi nghĩ vậy không ích gì đâu, ông Turner ạ. Chúng tôi đã trả đủ tiền đền bù, và phá hoại hình ảnh ngành đường sắt chỉ có hại cho ông thôi.”

“Chuyện đấy không liên quan! Ta đến đây không phải vì tiền—đấy là vấn đề về danh dự...”

Đột nhiên, chuông điện thoại trong buồng reo.

“Xin lỗi vì đã ngắt lời, nhưng có vẻ cuộc gọi này là dành cho ông.”

Suốt trong lúc nói, vị ủy viên luôn giữ vẻ vô cảm. Lão Turner giằng ống nghe khỏi tay ông ta.

“Ta đây! Mày là thằng quái...nào...?”

Nghe được cuộc gọi đó, khuôn mặt Turner chợt biến sắc dữ dội. Khuôn mặt lão tái xanh, và mồ hôi lão túa ra liên hồi. Không lâu sau, lão đặt ống nghe xuống, rồi trừng mắt nhìn vị ủy viên bằng vẻ mặt kiệt quệ.

“Bẩn thỉu thật. Lôi cả chính trị gia...”

“Có vẻ Thượng nghị sĩ Beriam cũng muốn vụ việc này yên ắng nhất có thể. Trong thời đại ngày nay, che đậy hoàn toàn nó là bất khả, nhưng chúng tôi có thể xóa nhòa sự tồn tại của nó. Không có hành khách nào thương vong trong suốt sự cố, nên chúng tôi không muốn thu hút quá nhiều sự chú ý về vấn đề này.”

“N-nhưng...”

“Ông Turner. Tôi nghe nói ông từng gán sai phạm của mình cho một kĩ thuật viên. Chúng tôi sẵn sàng nhờ tổ kĩ thuật đó khai báo lại lần nữa. Nếu bảo rằng chúng tôi sẽ thuê họ dưới những điều khoản thỏa đáng, tôi chắc chắn họ sẽ khai báo thành thật ngay.”

Turner ria kẽm liền trắng bệch như giấy, rồi rời khỏi căn buồng, không dám nói gì thêm.

Vị ủy viên tung đòn chốt hạ vào lưng lão.

“Gieo gió thì gặt bão thôi, ông Turner ạ. Thượng nghị sĩ đã để mắt đến ông rồi. Nếu không chịu chăm chỉ lên, công ty sẽ biến ông thành tốt thí đấy...”

-----

“...Và mọi chuyện là như thế, hoặc những gì ta được kể. Cô có thấy vui thêm chút nào không?”

“Thưa ngài, sao ngài lại có được những thông tin như thế?”

“Ta là người đã bán thông tin về quá khứ con lợn đó cho vị ủy viên. Trao đổi thôi ấy mà.”

Giữa vô vàn tiếng điện thoại reo, giọng nói ấy thong thả vọng tới.

“Nếu không dùng thông tin, chúng sẽ bị hao mòn. Giống như kĩ thuật của người nghệ nhân. Mặc dù ta có hơi trăn trở vì dùng thông tin về quá khứ của cô mà không được cho phép.”

Rachel im lặng một hồi. Rồi cô cất giọng lên, hướng tới bên kia bức tường giấy.

“Tôi có thể nhờ ngài cấp phí di chuyển, kể từ lần tới được không ạ? Tôi không biết tại sao, nhưng tôi quyết định sẽ không đi lậu vé nữa.”

“Ta rất sẵn lòng. Như thế cũng không sao. 'Không biết tại sao' là cực kì quan trọng. Ta nghĩ tin tưởng vào cảm giác của chính cô là điều rất tuyệt vời.”

Nói một câu tương đối mâu thuẫn với nghề nghiệp của mình, đến sau cuối, giọng nói phía sau chồng tài liệu lại đế thêm.

“Nhớ đừng quên biên lai đấy.”

-----

Quyền lực chính trị của Thượng nghị sĩ Beriam, cũng như sức mạnh tài chính của tập đoàn đường sắt đã dần khiến biến cố trên Flying Pussyfoot như chưa từng xảy ra. Công chúng chỉ biết về một nạn nhân duy nhất. Một nhân viên xe lửa được tìm thấy dưới cống nước Chicago, và hung thủ vẫn chưa được làm rõ. Cảnh sát không dành nhiều công sức cho cuộc điều tra và kết luận rằng vụ này không liên quan đến biến cố trên Flying Pussyfoot.

Hung thủ đã bỏ thế giới lại phía sau.

Cái xác không rõ mặt được tìm thấy trong buồng nhân viên được cho là của Claire Stanfield.

Con tàu bị loại bỏ, ngoại trừ toa đầu máy, và những toa tàu nằm im lìm giữa một công viên vùng ngoại ô.

Lạ lùng thay, có một phần đã biến mất khỏi chúng. Sau khi con tàu được trưng bày, ai đó đã cưa một mảnh từ tấm lợp mái của toa cuối.

Rồi đến ngày 5 tháng 12, năm 1933.

Ngày hôm đó, khi Đạo luật Cấm rượu bị bãi bỏ, nhiều người đã nhảy múa ăn mừng trên con tàu và đập nát nó, và về sau, nó hòa lẫn với sắt vụn ở bãi phế liệu và biến mất.

Chiếc Flying Pussyfoot—hay “cỗ máy thực thi luật Cấm rượu biết bay”--đã từng tung hoành khắp đất Mĩ, cùng với bạn đồng hành là Luật Cấm rượu.

So với cái chết của người bạn kia, hồi kết của nó quả thực quá đơn độc.

Sân khấu của vụ việc bị che đậy, lưu lạc từ bóng tối tới màn đêm, và không một ai biết nó đã trở thành gì.

...Trừ một mảnh duy nhất: lời nhắn từng bị lấy đi khỏi con tàu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện