Quân Pars nhanh chóng lên đường.

Phía Lusitania thì không có động tĩnh mới. Họ đang cố gắng điều quân thì bất ngờ, công tước Guiscard, em trai nhà vua, cũng là trung tâm chỉ huy, hoạch định sách lược, đã bị vua Andragoras đệ tam bắt làm tù binh sau khi thoát khỏi ngục tối. Binh lính cố tìm cách giải cứu hắn nhưng chỉ gây thêm hỗn loạn. Quân Lusitania không dám mạo hiểm, bởi họ cho rằng sự đổi hướng đột ngột của quân Pars nhất định có âm mưu. Họ chỉ đành nghiến răng, nín thở chờ động thái kế tiếp.

Ngay cả một nhà thông thái như Narsus cũng chẳng thể lường hết mọi điều, nên đương nhiên không biết chuyện gì đang xảy ra ở kinh đô Ecbatana. Trong đầu anh vạch ra cả ngàn kịch bản, trong đó có “vua Andragoras tự mình trốn thoát”. Nhưng anh nghĩ khả năng kịch bản này thành sự thật là vô cùng thấp, ấy thế mà nó lại thực sự diễn ra. Suy cho cùng, trí tuệ con người luôn có giới hạn.

Dù sao đi nữa, việc quân Lusitania dè chừng lúc này là điều quân Pars mong đợi nhất. Họ bắt đầu di chuyển về phía đông dưới sự chỉ huy của Narsus. Dariun và Kishward dẫn quân vô cùng hiệu quả, không có bất cứ rối loạn nào kể cả lúc hành quân giữa đêm khuya.

Lúc này, 500 kỵ binh do Farangis cầm đầu đã di chuyển nhanh dưới ánh trăng được vài giờ. Vẻ đẹp và tài nghệ của Farangis đã chẳng còn là điều gì xa lạ với các tướng sĩ trong quân của Arslan, vì vậy các hiệp sĩ chẳng hề ngại ngùng khi nghe lệnh một phụ nữ. Trái lại, họ càng lấy làm kiêu hãnh khi được làm việc dưới quyền một vị nữ thần có tấm lòng quả cảm và nghị lực phi thường.

Được khoảng hai chặng, cả nhóm gặp một người khách bộ hành. Anh ta đang đi dọc ven đường lớn, nhàn nhã vẫy tay. Farangis quay ngựa, đối mặt với anh chàng có bộ tóc rối bù như cái bờm sư tử.

“Anh là ai? Ta không thấy cái sừng nào cho thấy anh là một linh hồn tàn ác.”

“Ta là người đã cho sứ giả từ Peshawar mượn ngựa.”

“Ồ, vậy hóa ra anh là ân nhân của chúng ta. Đương nhiên rồi, chúng ta sẽ trả ơn xứng đáng.”

Farangirs ra hiệu. Một hiệp sĩ dắt con ngựa đã được đóng yên tới, cùng một túi da nặng trĩu vàng giao cho Kubard làm phần thưởng.

“Lẽ ra chúng ta phải đền đáp anh trọng thể hơn nhưng trước mắt ta cần đến Peshawar đã. Mong anh nhận lấy số vàng này thay lời cảm ơn của thái tử điện hạ.”

“Ồ, tuyệt quá.”

Kubard nói, nhưng thật ra anh ta không trầm trồ trước sự chu đáo của Arslan mà trước vẻ đẹp của Farangis. Cả tiếng Pars lẫn tiếng Sindhura đều có câu thành ngữ “đẹp tựa ánh trăng.” Khác với Gieve, Kubard chưa bao giờ gọi mình là nhà thơ nên không biết diễn đạt sự mến mộ của mình một ngày hoa mỹ. Thay vào đó, anh lại nói.

“Ta sẽ cùng cô tới pháo đài Peshawar. Chắc ta sẽ có ích đấy.”

“Anh tự tin vào khả năng chiến đấu của mình không?”

“Tương đối.”

Đó thực ra là lời nói quá mức khiêm nhường của người đàn ông này. Nhưng anh ta đã kịp thời bộc lộ bản chất.

“Ta tự coi mình là dũng sĩ mạnh thứ hai ở Pars.”

Anh mượn câu đó từ chàng trai trẻ Merlane mình gặp cách đây không lâu. Tuy nhiên Farangis tỏ ra không mấy ấn tượng. Cô nhìn thân hình oai nghiêm của Kubard bằng cặp mắt lạnh lùng, nói “Tùy anh”, rồi thúc ngựa đi tiếp. Kubard chỉ mỉm cười theo sau cô.

Quân Turan rất đông và hung hãn, hoàn toàn có đủ thế mạnh so bì với quân Pars, nhưng họ lại không giỏi trong việc vây thành. Không dễ để họ vượt qua pháo đài Peshawar đang được quân Pars trấn giữ dưới sự chỉ đạo của chưởng sụ Lucian.

Pháo đài làm từ đá sa thạch đỏ, sừng sững kiên cố, chặn đứng đợt tấn công của Turan. Ngoài ra, người Turan tuy giỏi chiến đấu nhưng không có những vũ khí đủ mạnh để công phá cánh cổng thép được gia cố bởi rào chắn. Những mũi tên trút xuống từ thành cao khiến bọn họ bất lực. Cứ tiếp tục ngoan cố sẽ chỉ gây hại cho chính mình. Chỉ mới ba ngày trôi qua, cục diện đã lâm vào bế tắc.

Tarkhan, Dizabolos, Ilterish, Boila, Basmyl, Karluk và các tướng lĩnh khác của quân đội Turan hùng mạnh đã tập hợp để tổ chức một cuộc họp ở phía nam, nơi họ có thể quan sát được pháo đài Peshawar trong tầm mắt. Người Turan là những cao thủ kỵ mã còn hơn cả người Pars. Thậm chí, ngay cả các cuộc họp quân cũng được tổ chức trên lưng ngựa. Nhìn pháo đài màu đỏ, nhiều người đưa ra ý kiến.

Tarkhan lên tiếng trước. Đó là một người đàn ông chừng 35 tuổi cao lớn với bộ râu đỏ đen xen kẽ che kín nửa dưới khuôn mặt, bộ ngực và cánh tay lực lưỡng. Khi nói đến các tướng lĩnh nổi danh hung hãn ở Turan, ông ta luôn được điểm danh đầu tiên. Giọng ông ta trầm và uy lực đến nỗi người nghe phải xoắn ruột vì xung động.

“Thành Peshawar được phòng thủ nghiêm ngặt, nhưng người Pars kiểu gì cũng không ra khỏi thành, chỉ biết ẩn nấp chờ cứu viện. Chúng ta phải dụ chúng ra ngoài. Nhưng trước khi nghĩ ra biện pháp đối phó, tạm thời án binh bất động vẫn hơn.

Ilterish lên tiếng.

“Người Pars không ra khỏi pháo đài thì không phải lo chúng kéo quân sang Sindhura. Sao chúng ta không tranh thủ chiếm Sindhura trước?”

Ilterish là một thành viên trẻ tuổi của hoàng tộc Turan, được gọi là Jinong, nghĩa là hoàng tử. Hắn có vóc dáng trung bình, những vết sẹo trắng do dao cắt lộ ra trên vầng trán và má trái, cặp mắt sắc bén đầy dũng khí. Cha hắn là em trai vua Turan, một chiến binh lẫy lừng nhưng tử trận khi giao chiến với một hiệp sĩ người Pars tên là Dairun. Ilterish chẳng những khao khát báo thù mà còn ôm tham vọng riêng. Hắn muốn chiếm được Sindhura trước khi diệt quân Pars để nâng cao danh tiếng của mình.

“Hoàng tử nóng vội quá.”

Một tiếng cười cay đắng ngăn cơn khát máu của Ilterish. Đó là Karluk, từng làm sứ giả đến Serica. Ông ta là nhân vật quan trọng trong hệ thống cầm quyền ở Turan, nổi danh là học sâu hiểu rộng. Đương nhiên ông cũng rất tự hào về điều này. Hoàng tử Ilterish trẻ tuổi hiếu chiến không thể che giấu được ác cảm với ông ta.

“Vậy thì ta phải làm gì đây? Đứng nhìn cái pháo đài đỏ đó mà la hét : ‘Cút ra đây ! Cút ra đây’ à?”

“Nếu hoàng tử muốn làm vậy, xin cứ tự nhiên.”

“Ông nói gì?”

Cảm thấy bị khiêu khích một cách trắng trợn, cặp mắt Ilterish lóe lên đầy nguy hiểm. Nhưng Karluk chẳng mảy may bận lòng.

“Ta chỉ nghĩ đến mục đích thực sự của quốc vương đang đợi ở kinh đô Samangan. Trước tiên, ta phải cho Pars thấy sức mạnh của chúng ta. Sindhura để sau không muộn.”

Nghe đến hai chữ quốc vương và Samangan, các tướng lĩnh lập tức nghiêm trang.

Samangan là kinh đô của vương quốc Turan. Dù là cũng là kinh đô nhưng khác hẳn kinh đô hoàng gia Ecbatana của Pars. Chúng không có tường thành cao vút hay phố xá tấp nập. Turan là một nước du mục. Vào thời bình, họ thu thuế từ các đoàn lữ hành đi ngang qua lãnh thổ rộng lớn của họ, dùng tiền ấy buôn bán bạc và muối mỏ để phát triển kinh tế. Người Turan không có khái niệm về định cư, nhưng không thể thiếu một nguồn thu nhập ổn định. Samangan là căn cứ nơi họ xây dựng cung điện giữa những thung lũng xanh tươi, được bao quanh bởi 20 nghìn căn lều lớn nhỏ.

Bản thân cung điện Turan cũng là một căn lều lớn. Theo ghi chép của các nhà thương buôn từng du hành ngang qua, họ mô tả lại rằng :

“….Cung điện là một hình tứ giác khổng lồ, chiều dài mỗi cạnh khoảng 100 bước, dài gấp ba lần những cây thương mà kỵ binh thường sử dụng. Có 12 cột chống lều, mỗi cột dày bằng thân người trưởng thành. Có một khoảng sân với một phần mái che hình tròn.

Các bức tường của lều được tạo thành từ vải dày xếp chồng lên nhau, không khí có thể lưu thông được vào mùa hè nhưng vẫn ngăn được cái lạnh vào mùa đông. Lớp vải trong cùng là lụa mà vua Turan đã mua từ Serica với giá 1 vạn con cừu. Vải lụa ngũ sắc thêu hình mỹ nhân, thần thú và hoa cỏ. Sàn và những chiếc ghế mây đều được trải bằng lông thú…”

Nước du mục này đã trải qua không biết bao lần thay đổi gia tộc cầm quyền, tín ngưỡng thờ cúng. Tháng 1 năm nay, sau cuộc tranh giành ngai vị đẫm máu, vua Tokhtomysh đã lên ngôi, thề sẽ “làm giàu cho vương quốc bằng kho báu phương nam.” Ngoài sự căm thù Pars hằn sâu trong lòng từ khi em trai vua tiền nhiệm bị đánh bại 4 năm về trước, họ còn hay tin hiện giờ Pars đang khốn đốn với cảnh thù trong giặc ngoài, bị ngoại bang xâm chiếm từ phía tây. Và thế là người Turan chẳng còn lý do gì để chần chừ nữa. Họ mau chóng dẫn quân nam tiến, lên kế hoạch tấn công Pars. Tuy nhiên, điều này cũng là một trong số những kịch bản mà Narsus nghĩ đến. Với người Turan, cướp bóc đóng vai trò quan trọng trong kế sinh nhai. “Có gì sai khi cướp của những tên lắm tiền nhiều của?” Chỉ là bên bị cướp không thể đồng ý với luận điệu đó.

Trong khi quân Turan do dự, chưa biết phải làm gì với tường thành Peshawar kiên cố thì một cuộc náo loạn trong doanh trại đã nổ ra ngay giữa đêm khuya ngày 4 tháng 6. Một nhóm quân Pars đang cố gắng nhân lúc trời tối tiếp cận thành Peshawar. Đó là lực lượng do Farangis dẫn đầu.

“Không thể sai được, chúng là quân Pars ! Chúng nghĩ có thể xông vào thành với quân số ít ỏi đó sao? Cho chúng thấy rằng chúng đã lầm đi!”

Công bằng mà nói, người Turan khả năng nhìn xuyên đêm tối tốt hơn người Pars. Trong quá khứ, quân Pars từng chịu vô số thiệt hại khi bị Turan đột kích vào ban đêm. Dù Farangis đã tính trước điều này, nhưng không có cách nào khác ngoài đột phá vòng vây để vào được thành. Nhiệm vụ đầu tiên là dùng kế nghi binh, đánh lạc hướng địch, và Kubard xung phong nhận nhiệm vụ nguy hiểm ấy. Thông thường, Farangis thường tự mình đảm nhận các nhiệm vụ nguy hiểm hơn là giao cho người khác, nhưng cô cảm thấy nếu “mối nguy” mà gặp phải người đàn ông một mắt này thì cũng phải bỏ chạy mà thôi.

Kubard đóng vai mồi nhử. Anh chỉ huy lính ném pháo sáng vào trại quân Turan, rồi một mình vác thanh trọng kiếm, băng băng xông tới phía trước. Thấy tư thế oai hùng của Kubard, một kỵ sĩ Turan nhảy lên lưng ngựa, đón đầu anh ta.

“Ta là Ilterih, con cháu hoàng gia Turan, danh hiệu hoàng tử. Muốn đặt chân đến Peshawar thì phải qua được ải của ta!”

Ilterish tin rằng mình đã đưa ra lời tuyên chiến hết sức hùng hồn bằng tiếng Pars, thế nhưng đối phương lại dửng dưng như không nghe thấy, cứ thế cưỡi ngựa lao đi.

“Ngươi định bỏ chạy mà không xưng danh sao? Hay các ngươi đều là lũ mọi rợ không biết cách cư xử?”

Ilterish quát lên, lao đến đón đầu, vung một nhát kiếm toàn lực. Đối thủ liền chặn đòn tấn công của hắn ta.

Tiếng đao kiếm chạm nhau vang lên kéo theo tia lửa đỏ, tạo nên một khoảng sáng giữa đêm khuya. Ilterish nhận ra mắt trái đối phương bị mù. Ngay sau đó, bóng tối lại nuốt chửng. Kẻ địch không có ý định chiến đấu. Anh ta làm chệch đường nhát chém của Ilterish rồi lập tức quay ngựa, tiếp tục tiến đến Peshawar, chỉ bỏ lại một câu.

“Tha cho ngươi hôm nay. Mau về bú sữa mẹ đi!”

“Khốn kiếp ! Đồ chó má….”

Ilterish vô cùng tức giận. Hắn phóng ngựa đuổi theo, liên tục vung kiếm. Tia lửa lại nhoáng lên trong bóng tối, phản chiếu trên bộ giáp chói lòa.

Ilterish rất mạnh nên ngay cả Kubard cũng khó lòng chống đỡ bằng một tay. Anh chuyển thủ thành công, bắt đầu ra chiêu thật sự. Một nhát kiếm uy lực được tung ra, và cổ tay Ilterish tê liệt vì phải đỡ nhát chém đó.

Hai bên qua lại, giao chiêu năm sáu lần, nhưng khó có thể duy trì một trận đấu tay đôi khi kẻ thù và đồng minh lẫn lộn. Thỉnh thoảng, có vài người khác chen vào khiến Kubard và Ilterish bị rách ra. Cơn lốc hỗn loạn không ngừng mở rộng, nuốt chửng cả hai người.

Farangis quan sát cảnh tượng bằng đôi mắt lạnh lùng, đồng thời tiến vào đội hình quân Turan. Mục đích của cô không phải giết lính Turan mà chỉ là tiến được đến cổng thành Peshawar. Farangis lợi dụng khả năng chiến đấu phi thường cùng lòng quả cảm của Kubard để đánh lạc hướng chú ý của quân Turan, tạo thời cơ tiếp cận pháo đài. Tuy nhiên, hành động của cô vẫn bị địch phát hiện.

“Quân Pars….”

Ngay khi một tên lính Turan vừa hét lên và vác kiếm xông về phía Farangis, một tiếng hét ngắn ngủi vang lên, rồi kẻ đó ngã từ yên cương xuống đất. Farangis bắn một mũi tên với cự ly rất gần. Những tên lính Turan khác cũng cầm kiếm xông lên, bao vây kỵ binh Pars. Tiếng dây cung liên tiếp vang lên, kéo theo tiếng kêu đau đớn, tiếng người ngã ngựa. Dù sở hữu thị lực tốt đến mức nhìn xuyên đêm tối, người Turan vẫn không đoán được những chuyển động khó lường của Farangis.

“A ha ! Hóa ra cung thủ giỏi nhất xứ Pars là cô gái đó. Nếu Merlane mà gặp được cô ta, chắc chắn sẽ muốn so tài cao thấp đây.”

Kubard còn đang vung kiếm trong trận hỗn chiến, vậy mà vẫn có tâm trạng tán thưởng tài nghệ siêu phàm của Farangis. Kẻ thù không đội trời chung Ilterish hét lên, tìm kiếm bóng dáng Kubard nhưng bị phớt lờ. Bởi vì Kubard có nhiệm vụ quan trọng hơn cần thực hiện, không phải lúc để so bì hơn thua.

Farangis cùng vài chục kỵ binh đã đến được cổng thành Peshawar. Cô dàn quân, gọi lớn bên tường, “Mở cổng thành ! Ta là Farangis, sứ giả của thái tử !”

Giọng nói này vẫn còn đọng lại trong tâm trí tướng sĩ thành Peshawar. Lucian, người phụ trách thủ thành vội ra hiệu. Các bao cát được dỡ xuống, cánh cổng mở ra đủ để Farangis cưỡi ngựa vào. Ngay sau khi qua cổng, cố quay lại tấn công bằng thanh kiếm của mình. Lính Lusitania đuổi theo cô bị trúng một nhát chém vào cổ. Kubard cũng xông vào theo. Kết quả, chỉ có 100 kỵ binh vào thành. Số còn lại bỏ chạy về tập hợp với đại quân của Arslan theo kế hoạch họ bàn nhau từ trước.

“Ba ngày. Chỉ cần cầm cự thêm ba ngày nữa, quân tiếp viện sẽ đến. Thái tử điện hạ sẽ không bỏ rơi chúng ta đâu.”

Farangis dứt lời ,tiếng hò reo vang dội khắp thành.

“Không chỉ tiểu thư Farangis mà ngay cả ngài marzban Kubard cũng đến đây. Thế thì không việc gì phải sợ quân Turan hết.”

Lucian tuyên bố, tiếng hô hào lại vang lên. Farangis nhìn quanh, chỉ thấy người đàn ông có mái tóc như bờm sư tử và thân mình đầy máu, đang ung dung giơ cánh tay lực lưỡng lên vẫy chào, đáp lại sự hoan nghênh.

“Anh là một marzban?”

“Đại khái vậy.”

“Ra thế. Marzban cũng có đủ kiểu người.”

Farangis chỉ đơn thuần đưa ra nhận xét, không rõ khen hay chê.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Báo lỗi Bình luận
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện